MISLEAD - Từ học thuật đến đời sống
Trong học thuật, Trann tạm dịch Mislead là đánh lạc hướng người dùng, người đọc bằng những thông tin 50% sự thật hoặc không chính xác, còn trong thực tế thì chúng ta sẽ có từ bình dân hơn "bẻ lái" dư luận.
Giấc mơ của người trẻ dễ dàng bị "bóp nát" bởi những ngòi bút cực đoan được viết công khai trên những trang web thông tin đại chúng. Với tựa đề nằm trong chuỗi bài viết liên quan đến Big 4 của một trong những tờ báo mạng nổi tiếng trong cộng đồng giới trẻ nhưng lại dẫn dắt người đọc cảm thấy một chút "kì thị" khi nói đến bằng hành nghề chuyên nghiệp, cụ thể là ACCA. Chi tiết bài đăng xem tại đây
Vậy tại sao chỉ mỗi ACCA được nêu tên? Chắc vì phong trào người người nhà nhà học ACCA để thi vào Big 4 ngày nay quá nhiều, thậm chí các lò đào tạo chỉ phục vụ cho mục đích thi tuyển Big và các buổi chuyên đề cũng chỉ xoay quanh chủ đề này.
ACCA có trước hay Big 4 có trước?
Câu trả lời giống như con gà và quả trứng. Người viết bài chắc phải thiếu sự khách quan và phán đoán chính xác đến nỗi dễ dàng lấy ý kiến của người "được tạm gọi" cao thủ trong nghề, được thăng tiến sự nghiệp bằng ACCA nhưng lại nhận xét là "học ACCA rất nản và chán. Tại sao mình lại tự bôi xấu cho chính thành tựu mình đạt được huống hồ chi để vượt qua chừng ấy gian nan để trở thành hội viên các hiệp hội hành nghề chuyên nghiệp thực sự là một niềm tự hào. Nếu như người viết được gặp Trann sớm hơn trước khi viết những bài này thì chắc chắn sẽ có thêm góc nhìn phù hợp vì HỌC LÀ CHUYỆN CỦA MỖI NGƯỜI. Lấy vấn đề cá nhân để quy chụp cho một sự kiện tập thể chính là một sự lệch hướng suy nghĩ của người đọc. Nếu người viết có thể dùng chính lập trường của mình để nói hoặc bản thân mình là đã từng trải qua thì bài viết sẽ được cụ thể hoá và dễ dàng nhận được phản biện tích cực của những người quan tâm. Thay vì vậy, việc lấy rất nhiều ví dụ "vô hình" chính là cách dùng thông tin "chưa kiểm chứng với độ tin cậy thấp nhất". Trong kiến thức của ACCA có một nguyên tắc rất hay khi chúng ta "lọc" thông tin chính là "if relevant but not reliable, information cannot be used", được hiểu là thông tin dù có phù hợp đến đâu nếu không được kiểm chứng và xác thực thì không nên dùng.
Vậy với bài viết này, Trann sẽ dùng lập trường của bản thân mình khi học ACCA. Ngay từ đầu học ACCA chính là cách Trann thay đổi cuộc đời mình, không chạy theo khuôn mẫu đề thi "gà chọi", không học để thi vô Big, lại càng không bị cuốn theo "cạm bẫy" học phần hay tín chỉ, học 2 năm tự do rồi thêm 2 năm chuyên ngành, bỏ thì thương vương thì tội. Học ACCA là để làm kê toán tài chính quản trị. Người có bằng ACCA làm được rất nhiều ngành từ nhân sự đến tài chính và chắc chắn không thể thiếu kế toán ở các tập đoàn trong nước và công ty đa quốc gia. Quy chụp họ là sản phẩm đầu ra cho các công ty kiểm toán. Đây gọi là Mislead.
Chúng ta phải hiểu vì chênh lệch chất lượng sinh viên tốt nghiệp quá lớn nên Big 4 cần một tấm bằng hành nghề chuyên nghiệp để đảm bảo năng lực của người kí các báo cáo kiểm toán độc lập hằng năm nên những người học và có ACCA mới được ưu ái như vậy. Không chỉ riêng ACCA mà những ai đang học các bằng hành nghề gồm CPA Úc và ICAEW đều được Big 4 hoan nghênh. Quan điểm người viết rất yếu trong việc tìm chứng cứ xác thức để hỗ trợ, mà thay vào đó dùng việc đổ vấy cho một bằng hành nghề chuyên nghiệp là không tốt, là chán vậy thì mệnh đề còn lại thì như thế nào? Chúng ta loay hoay trong chạy job, chạy deadline quên cả việc chải lại tóc tai, rồi mãi mắc kẹt trong bàn giấy, bị dùng dằng giữa học và làm là do bằng hành nghề hay do chính công việc của chúng ta? Nên mới nói tâm thế người học và mục đích người học là nhân tố quan trọng nhất khi quyết định theo đuổi tấm bằng nào đó.
ACCA - Góc nhìn người trong cuộc
Để trả lời chính xác nhất cho nhận định của người viết bài khi cho rằng kiến thức của ACCA chỉ áp dụng tốt nhất trong việc đi dạy, thì Trann sẽ dùng chính kinh nghiệm của mình vừa là giảng viên vừa là trưởng bộ phận tài chính có thể khẳng định rằng việc học ACCA luôn có 2 nhóm chính: nhóm học để thi và nhóm học có kiến thức. Học để thi dành cho những người chỉ ôn các kĩ thuật thi và thực hành ngắn (chủ yếu ôn tips) phần lớn là người đã đi làm nên họ dùng chính kinh nghiệm thực tiễn bù đắp cho thiếu hụt kiến thức nền và nhóm thứ 2 là học vì kiến thức ACCA. Trann thuộc nhóm thứ 2. Kiến thức ACCA tích luỹ cùng Trann và ứng dụng quá nhiều trong công việc qua năm tháng từ xuất phát điểm chỉ là một nhân viên kiểm soát nội bộ rồi phát triển lên phân tích và quản trị tài chính doanh nghiệp tại các tập đoàn lớn đa quốc gia. Ngoài chuyên môn thì chính những kỹ năng Trann học được qua các môn thi ACCA mới là những kĩ năng mềm rất hiệu quả trong công việc như quản trị thời gian, quản lí công việc, làm việc nhóm và tư duy phản biện.
Nếu như người viết từng hoài nghi là ACCA không áp dụng nhiều trong thực tế thì câu hỏi đặt ra người viết đã từng trải qua bao nhiêu môi trường làm việc, đã đảm nhiệm những vị trí nào tại các công ty khác nhau? Góc nhìn được hình thành từ chính trải nghiệm và kinh nghiệm của mỗi người. Nên có thể dùng kinh nghiệm bản thân của mình chia sẽ nhưng đừng dùng sức mạng đám đông để "bắt nạt" những điều chưa xác thực. Đây chính là Mislead
Học ACCA và các bằng hành nghề khác có khó khăn không?
Trann luôn khẳng định với tất cả học trò của mình rằng đầu tư cho giáo dục luôn là một trong những quyêt định đầu tư hiệu quả nhất, nhưng làm cái gì cũng cần phải bỏ tâm huyết, thời gian và tìm tòi sáng tạo để tìm ra con đường cho chính mình. Đặt ví dụ học ACCA là "lỡ đâm lao thì theo lao", vậy học RMIT và CFA thì chúng ta sẽ rút được lao giữa chừng? Đây chính là mislead.
Thực tế khi chúng ta theo học tại những tổ chức uy tín và các trường nổi tiếng trên thế giới thì học là do chủ động của mỗi người. Đúng bản chất "có chơi có chịu". Trong ACCA khi chúng ta hoàn thành hết F chúng ta cũng sẽ được cấp thêm bằng BSc (Hon) in Applied Accounting của Oxford Brookes mà lại tiết kiệm được tới 90% học phí khi chỉ nộp thêm luận văn tốt nghiệp cho trường (Top 50 under 50 Global và Top 50 trường của Anh). Tấm bằng này hoàn toàn nằm trong khả năng của tất cả những ai theo học ACCA nếu có lộ trình, quyết tâm và kế hoạch rõ ràng. Chúng ta từng thấy nhiều du học sinh về nước không hề có tấm bằng nào của trường vì học không nổi chương trình của trường dù gia đình đã lo rất nhiều chi phí. Nên học không xong là chuyện của chính mình, việc chạy theo "phong trào" cũng là quyết định của mình chứ không phải là nghĩa vụ của các bên liên quan. Nếu cứ đem phần gánh nặng của bản thân đẩy qua vai người khác, thì khi nào chúng ta học được chữ "chịu trách nhiệm" cho chính mình?.
Thay vì trách Học ACCA là cạm bẫy thì nên hỏi tại sao Big 4 lại cần? Vì sao người khác học ACCA để làm chuyên môn tài chính quản trị còn mình thì chỉ để muốn học ACCA vào Big 4?
Nếu nói ACCA và các bằng hành nghề khác không thiết thực thì tại sao tại Singapore và Malaysia thì số người học ACCA và các bằng hành nghề khác gấp chúng ta hơn ngàn lần. Vậy những người này họ học xong họ đều đi dạy hết?
Nếu cứ "mặc định" sinh viên kế toán - kiểm toán thì phải vào Big nhưng học ACCA là lãng phí vậy tại sao hằng năm số lượng người rời khỏi Big vẫn nhiều, là do đều học ACCA hay vì chính mình nhận ra thực tế không màu hồng như giảng đường chúng ta mơ?
Nếu chúng ta cảm thấy ACCA không đủ tốt, thì tại sao bạn bè các nước láng giềng những người hành nghề kế toán - kiểm toán chuyên nghiệp đang mỗi ngày góp phần vào sự phát triển kinh tế, còn chúng ta thì cứ mãi câu chuyện khi nào sánh vai?
Nếu không có sự công nhận của các công ty lớn vậy tại sao hiện nay các công ty hàng đầu (không phải Big) đều ưu tiên tuyển người có những bằng hành nghề chuyên nghiệp (gồm ACCA) cho các cấp quản trị tầm trung trở lên?
Góc nhìn chia sẻ cần bao quát và khách quan, nếu hướng đến sinh viên thì lại cần thêm sự lạc quan. Sống trong thời đại hỗn loạn thông tin như ngày nay thì lại cần giúp sinh viên "nối dài cánh tay" đến ước mơ, chứ không phải các thông tin rối loạn. ACCA và các bằng hành nghề chuyên nghiệp không phải là những khoá nghiệp vụ phổ thông để chúng ta đem ra so sánh hay phê phán. Nếu xem đó chính là chuyên môn của mình thì chỉ có quyết tâm theo đuổi và sự hoàn thiện chính bản thân mỗi người trong công việc.
Người lạc quan nhìn đâu cũng sẽ thấy cơ hội, người bi quan nhìn đâu cũng thấy lỗi lầm. Dù cuộc sống sẽ không lúc nào suôn sẻ nhưng cũng đừng "bẻ lái" dư luận theo hướng tiêu cực.
TRANNACCA.