Sự lựa chọn học thuật của chúng ta

Đăng bởi TRANNACCA vào lúc 2021-04-05

Những năm gần đây khi mỗi mùa tuyển sinh và chuyển cấp về thì topic “nên học chuyên hay không” lại được mọi người thảo luận sôi nổi. Mình sẽ kể cho các bạn nghe về câu chuyện của mình từ góc nhìn của một người không học chuyên và hành trình về “sự lựa chọn của chúng ta”.
 



Sự lựa chọn trường chuyên


▶ Sự công nhận

Xu hướng mọi người lựa chọn trường chuyên cho con em của mình từ rất sớm vì đối với số đông, sự công nhận về mặt “thương hiệu” là một trong những thước đo thành công về mặt học thuật của con em mình. Trann nghĩ điều này hoàn toàn bình thường tuỳ thuộc vào mong muốn và khả năng tài chính của phụ huynh. Thực tế học phí trương chuyên rẻ hơn nhiều so với các trường bình thường và trường tư nhưng chi phí đầu tư học thêm và đuổi kịp thành tích các bạn khác mới khiến phần chi phí học chuyên ngày càng cao theo thời gian. Chính vì sự công nhận là mặt tích cực nên chỉ cần không kiểm soát tốt thì sẽ kéo theo các tiêu cực điển hình là việc chạy đua thành tích giữa các học sinh hoặc học lệch môn để đảm bảo “nếu bạn học chuyên anh thì anh văn phải cực giỏi” chẳng hạn. Ngay cả khi chúng ta khi nói đến câu chuyện du học thì cũng thường hay tham khảo các trường Top 50, Top 20, Top 10 vì danh tiếng Trường sẽ giúp tấm bằng chúng ta hướng đến có giá trị ít nhiều khi đi xin việc sau này. Nên phân loại chuyên hay thường thì không chỉ có cấp phổ thông mà ngay cả bậc đại học cũng sẽ được phân hoá theo cấp bậc xếp hạng.



▶ Quan điểm học thuật và thành công

Đối với nhiều phụ huynh thì nếu con em mình học chuyên có nghĩa là có sự vượt trội về mặt học thuật đồng thời cũng sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội thành công sau này cho chính đứa trẻ đó. Quan điểm này có thể đúng hoặc sai nhưng quan trọng là khi chúng ta chấp nhận tin vào các số liệu thống kê thì chúng ta sẽ tin vào cái “thuyết phục” mình. Trann vẫn luôn có niềm tin về sự liên kết chặt chẽ giữa sự học và thành công. Sau này lớn lên rồi tiếp xúc với xã hội và cạnh tranh khắc nghiệt chúng ta phát hiện ra, học gồm nhiều khía cạnh khác nhau và thông qua học cũng chính là cách hoàn thiện mình để đạt đến thành công nhất định cho mỗi người.



▶ Năng lực của bản thân

Nếu chúng ta bỏ trường chuyên cũng giống như chúng ta cào bằng về năng lực của từng đứa trẻ. Nếu xem học tập cũng là sở thích thì cũng sẽ có nhiều bạn dù không ai thúc ép thì động lực học luôn thúc đẩy bạn học chăm chỉ hơn các bạn khác và học vượt trội hơn số đông. Chúng ta không thể xếp lớp các bạn có năng lực khác nhau vào cùng 1 chỗ vì như vậy gọi là “Equality” (bình đẳng) chứ không phải “Equity” (công bằng). Những bạn học xuất sắc cần môi trường và điều kiện để các bạn phát huy tối đa tiềm năng của bản thân, và những bạn học chưa giỏi cũng cần phải được hỗ trợ kịp thời để giúp các bạn nhận ra được những thế mạnh khác của bản thân. Bạn không cần phải cố gắng hoặc thi chuyên để phát triển năng lực bản thân nếu bạn thực sự không phải tín đồ học tập. Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn các con đương khác phù hợp với bản thân. Đến cuối cùng bạn sẽ nhận ra, có rất nhiều con đường để đạt đến thành công học vấn hoặc nghề nghiệp và nền tảng kiên quyết đầu tiên không phải là bạn học gì mà là năng lực của bạn đến đâu.

------------------------------------------------------------------



Sự lựa chọn của Trann

Dù bố Trann là một dân học chuyên chính hiệu nhưng cách bố Trann truyền lửa cho mình là không can thiệp vào sự lựa chọn của con cái. Trann nhớ một câu nói bố Trann ngày xưa khi Trann làm toán mà sai hoài “nếu con nghĩ không ra thì bỏ qua đi, đến lúc khác nhìn lại thì lại thấy mình giải được. Có thể lúc không giải ra con nghĩ mình không giỏi, nhưng lúc giải được thì có nghĩa là con hiểu bài rồi, hiểu rồi mới giỏi được”.



Lúc cấp 2 khi được phân vào lớp chuyên thì điều đầu tiên Trann làm là xin ra học lớp thường, ngay cả khi được cử đi học lớp luyện học sinh giỏi thì tâm lý lúc đó của Trann là “sao mấy bạn đó giỏi quá vậy, bài nào cũng giải được”. Lúc thi chuyển cấp lên THPT thì không biết may mắn như thế nào (chắc may mắn cũng là một năng lực) lại được danh hiệu á khoa đầu vào của trường và lại được xếp lớp chuyên và Trann lại xin ra lớp thường. Trann khi ấy luôn có áp lực tâm lý rất lớn về việc bị soi mói điểm số và “ép” giỏi vượt tuổi, chúng ta không thể thấy người khác giỏi hơn thì lại nghi ngờ về năng lực và thế mạnh của mình. Vì vậy, suốt những năm đi học, trôi nhanh như gió mà điểm trung bình của Trann chỉ dừng lại mức đủ để HSG nhưng bù lại là một loạt thành tích “chơi” rất vui: cấp 1 thì đi đi hát, thi kể chuyện cấp quận và cấp thành, lên cấp 2 tiếp tục hoạt động trong ban chấp hành đội đi thi chỉ huy đội, tham gia hướng đạo sinh, cấp 3 lại tham gia BCH Đoàn trường, được học bổng đi học tiếng nhật và tự kinh doanh từ năm 16 tuổi.



Trann tin không ai có thể trở nên thành công nếu không học. Học ở đây nghĩa rất rộng gồm cả kiến thức học thuật và kỹ năng sống nên nếu chỉ nghĩ việc học gói gọn trong việc tranh đua điểm số, lựa chọn trường giỏi hoặc hoàn thành chương trình học xuất sắc,... thì đó chúng ta vẫn đang thực hiện các mục tiêu chứ chưa thực sự hiểu mình cần học làm gì, hoàn thiện gì, phát triển gì và làm sao để gắn kết việc học với tương lai của mình. Và nếu xem việc học và tương lai thành công là một chặng đường dài thì làm sao có con đường dễ dàng. Đó là lí do vì sao nghị lực và sự biết ơn giúp Trann phát triển, không ai giúp được chính mình nếu mình không thực sự trân trọng những giá trị của bản thân và học cách tự làm bản thân mình vượt lên những hạn chế của bản thân.



Đường tắt thì sẽ thử thách, nhưng chỉ cần có một cơ hội thì dù chỉ với xác xuất nhỏ nhất vẫn sẽ giúp chúng ta thành công, chỉ là chúng ta có biết cách nắm bắt hay không. Chỉ khi đến với OBU/ACCA Trann chỉ thực sự học giỏi nhất vì lúc ấy Trann nhận ra là mình không cần phải cạnh tranh với ai cả, mình cạnh tranh với phiên bản của mình qua từng kì thi để xem khi nào mình vượt qua được những giới hạn của bản thân. Trann cũng thành công rút ngắn 1/2 “giới hạn thời gian” mặc định cho việc học cử nhân là 4 năm và giải phóng hoàn toàn “giới hạn tài chính” hoàn thành tấm bằng danh giá quốc tế chỉ với 1/10 chi phí du học và chi phí học trường quốc tế. Thay đổi được quan điểm học tập cũng là cách giúp ta mở rộng và tự phát triển chân trời học thuật của mình. Trann nghĩ mình học giỏi hay không thì miễn mình hài lòng về sự tiến bộ của mình và phải tiến bộ theo thời gian thì dù không học chuyên nhưng chúng ta cũng đã giỏi, ít ra thì chúng ta biết chắc chắn về năng lực của bản thân mình chứ không phải cứ mãi chạy theo những chỉ tiêu mơ hồ, thành tích hoặc sự công nhận số đông.

 

 

TRANNACCA. 

 


Chia sẻ với bạn bè

Hiển thị tất cả kết quả cho ""