Không học được cách từ bỏ sẽ mất tất cả

Đăng bởi TRANNACCA vào lúc 2021-01-09

Lâu lắm Trann mới quay lại viết bài mới dành cho mọi người. Bài lần này sẽ nói về một khía cạnh khác về những sự lựa chọn mà chúng ta thường phải đưa ra quyết định trong cuộc sống. Không có đúng cũng không có sai, chỉ có quyết đoán lựa chọn hay không, quan trọng hơn là "bạn có dám từ bỏ để lựa chọn con đường mình muốn?"

Thay vì chúng ta đã quá quen với những cụm từ "Never give up" hay chúng ta thường hay ghép lại thành chữ "NGU" thì với Trann luôn phân tích 1 vấn đề thành 2 khía cạnh ưu điểm và nhược điểm. Trann luôn tin rằng tự nhủ rằng "KHÔNG BAO GIỜ TỪ BỎ" là một trong những động lực tốt nhất để giúp mình vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, đó là khi chúng ta đã gặp được đúng mục tiêu và biết được chính xác con đường mà mình sẽ đi trong tương lai. Còn nếu ngược lại? Tức là chúng ta đang bơ vơ giữa muôn vàn các lựa chọn, các ràng buộc và các ý kiến xung quanh mình nhưng lại không biết rốt cuộc mình nên sẽ chọn cái nào và mình làm như thế nào thì tốt nhất. Nếu vậy thì "Never Give Up" sẽ mang nghĩa chơi chữ gần giống "NGU" là cứ cố ôm đồm rất nhiều thứ vào người rồi thì đến lúc mệt nhất chính là chính mình. Không thể chọn cái nào là phù hợp nhất vì cái nào cũng đều dỡ dang. 


“Never Give Up" hay "NGU" chỉ là cách chơi chữ, và mọi người sẽ hiểu theo ý mình muốn, nên chúng ta hãy nghĩ theo hướng tích cực. Khi nào cảm thấy mình đã quá mệt mỏi vì luôn "never give up" với tất cả mọi thứ thì hãy đọc tiếp phần sau để nói về cái gọi là "KHÔNG HỌC ĐƯỢC CÁCH TỪ BỎ THÌ ĐÔI KHI SẼ MẤT TẤT CẢ". 

Có những người "được" ưu ái rất nhiều thuận lợi và họ làm điều gì cũng dễ dàng hơn những người khác. Tuy nhiên, mặt bằng số đông chúng ta không giống như vậy và bạn chỉ có thể làm tốt ở những lĩnh vực cụ thể. Từ khi còn ngồi học ở ghế nhà trường, không ai trong chúng ta được hướng dẫn về làm thế nào "để quyết đoán" và trở nên tự lập nên thông thường thì chúng ta luôn chọn điều mình muốn dựa trên ý kiến số đông, ôm đồm rất nhiều thứ và muốn trở thành "con nhà người ta" như trong truyền thuyết nhưng trong khi bản thân mình lại rất dè dặt trong việc ra quyết định và luôn đặt mình trong tình trạng "lưỡng lự". Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy sau này mà chính cả chúng ta thậm chí đến lúc nhận ra thì cũng chẳng thay đổi được gì cả, không phải vì quá trễ mà vì cơ hội thường không dành nhiều ưu ái để đợi chúng ta "thức tỉnh" lâu như vậy. 

Ví dụ bản thân mình, Trann có thể cam đoan với các bạn rằng, xuất phát điểm của Trann bình thường như bao người, thậm chí trong suốt quá trình từ cấp 1 đến cấp 3 Trann luôn nằm trong tình thế "thích chơi hơn thích học" và luôn mệt mỏi với những thất bại của mình. Khi mới lên cấp 3, vì Trann chọn sai ban do thích học cả ban A nhưng ghét hóa rồi ham thêm ban D mà lại thích vật lí nên chọn luôn ban cơ bản (thời đó chưa có ban A1 nhen), thành ra chẳng cái gì chuyên cả mà mình cứ vất vả chồng lên người 13 môn trong suốt 3 năm rồi cuối cùng không biết chọn ngành gì. Thấy bạn bè ai cũng thi vào ngành hot như: kế toán, quản trị du lịch khách sạn nhà hàng, kinh tế đối ngoại và quản trị kinh doanh mà bản thân mình thậm chí còn không biết những ngành đó có dính dáng gì với mấy cái môn mình đang học không và tại sao lại cứ là những ngành đó? Nên thế là quyết định chọn luôn Anh Văn Thương Mại, một ngành rất hot và điểm chuẩn còn vượt luôn mấy ngành kinh tế vào năm 2009, rồi thì sao? Lại thất bại tiếp vì khi Trann phát hiện thực ra 4 năm mà chỉ để học anh văn thì cũng giống như tiếp tục con đường mòn của 7 năm phổ thông. Và rồi xuất hiện cái ngã rẻ thứ 2 là học kế toán và học BSc. của Oxford Brookes University nhưng đi con đường độc và lạ này đối với 1 đứa không giỏi toán như Trann phải suy nghĩ thêm lỡ thất bại tiếp thì sao đây? Nhưng mà giờ học tiếp 4 năm rồi sao? Nếu không theo được hết con đường này thì sao, lúc đó mình sẽ làm gì tiếp? Đó là khoảng thời gian mà cái đứa luôn cứ bị "dằn vặt" bởi những lựa chọn như mình đột nhiên có 1 quyết định sáng suốt nhất, thậm chí đến những năm sau này mình cũng phải cảm ơn không ngừng vì nếu không có cái quyết định bỏ 1 ĐH để chính thức đi làm bươn chải và theo đuổi cái mình chọn thì sẽ không có Trann ACCA ngày hôm nay ngồi viết những dòng chia sẻ này cho mọi người. 

Trann tin “thất bại cũng là 1 cách để chui rèn sự tự tin cho chính mình”. Đâu ai biết được con đường phía trước là thành công hay vấp ngã nếu chỉ đứng đó nhìn và loay hoay mãi với cái suy nghĩ thiệt hơn cho bản thân mình vì “tiếc thời gian và công sức”. Thực tế thì không bỏ ra công sức hơn người, kiên trì thời gian hơn người thì cũng không thể mơ đến thành công hơn người. Phải tập quen rằng, đôi khi phải chịu thất bại tạm thời, phải chịu từ bỏ để con đường mình đi nó bớt áp lực thì lúc đó mới tạo ra 1 con đường mới đột phá cho bản thân mình. Quan trọng hơn, qua những lần thất bại và từ bỏ thì chúng ta sẽ học được cách nhận biết cái nào mới thật sự quan trọng với bản thân mình, biết mình biết ta, tự tin nhưng không tự phụ để không ngừng đạt đến những thành công khác.

Nhưng việc từ bỏ nói thì dễ nhưng làm được thì rất khó, phải đủ quyết đoán, kiên trì và bản lĩnh thì mới dám bỏ đi những cái an toàn mà mình đang giữ trong tay. Trann phải trải qua 2 năm liên tục chiến đấu vì xuất phát điểm là dân phổ thông nên sẽ phải học từ đầu với 9 môn CAT (F1, MA1, MA2, F2, FA1, FA2, F3, FAU, FFM) trong vòng đúng 1 năm và sau đó là 6 môn F (F4,5,6,7,8,9) trong vòng 1 năm tiếp theo (lúc trước ACCA chỉ áp dụng 2 kì/năm) để có thể chạm được đến điều người ta tưởng là không thể nhưng mình là có thể. Nhưng nếu Trann không từ bỏ con đường an toàn ngay từ năm 1 đại học thì đến giờ chắc gì Trann đã có thể "bức mình" đạt được những chướng ngại vật trên, thậm chí có khi vẫn chỉ là 1 sinh viên ra trường, lao mình vào thị trường nghề nghiệp mà cũng chẳng biết trong tay mình có thế mạnh gì để nhà tuyển dụng chú ý? Trann cũng có 1 bạn học trò đang học năm 3 tiếng nhật của 1 trường ĐH có tiếng đã nghĩ ngang để học BSc. hoặc 1 bạn học trò Trann rất quý cũng đã nghỉ hẳn việc học đại học để theo đuổi bằng hành nghề và hiện đang đang việc bên Trung Quốc mảng finance cho một công ty khá nổi tiếng (bạn được công ty đài thọ đi làm). Nói cách khác, khi bạn quyết định từ bỏ một thứ để chọn lấy một thứ khác mà bạn nghĩ là xứng đáng hơn thì bạn phải can đảm và kiên trì với lựa chọn của mình, cứ kiên định đi trên con đường mình chọn và giữ vững mục tiêu thì bạn sẽ xứng đáng với thành quả mà bản thân mình tạo ra. 

Chẳng có con đường nào là sai hay đúng và cũng không phải cứ bạn đi theo đúng con đường mà Trann đi, nghe theo những gì Trann nói thì là chính xác. Vì cái Trann chọn từ bỏ không giống với cái bạn sẽ từ bỏ. Cái Trann lựa chọn hi sinh để theo đuổi cho điều Trann nghĩ là tốt hơn thì đối với những người khác nhau cũng sẽ không giống nhau. Nên việc từ bỏ phải xuất phát từ chính bản thân mỗi người và bạn phải hiểu rằng nếu sức ta có hạn và mong muốn đạt được điều tốt nhất thì bạn cần phải tập trung vào con đường mà bạn nghĩ là "Critical Successful Factor - CSF" ở từng giai đoạn cụ thể trong cuộc đời bạn. 

 

Thà chọn 1 mục tiêu xứng đáng để bỏ công sức và tiền bạc trong 10 năm đầu để đổi lấy thành công trong 30 năm tiếp theo hơn là dàn trải những lựa chọn an toàn và vẫn bị ràng buộc mãi trong "vùng an toàn" cho đến mãi những năm về sau.

 


Chia sẻ với bạn bè

Hiển thị tất cả kết quả cho ""