Giá trị của bạn trong mắt nhà tuyển dụng

Đăng bởi TRANNACCA vào lúc 2021-04-04

Vào năm 2015, khi Trann chuẩn bị con đường tiếp tục cao học bậc Thạc Sỹ của mình thì nhận nhận được 1 cuộc gọi từ Phòng nhân sự của 1 trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất thế giới cho việc "đàm phán" cho Job offer (Thư mời công việc). Giải thích thêm một chút vì sao có cuộc gọi này là vì trước đó, phòng nhân sự của công ty đã chủ động liên hệ Trann về cơ hội làm việc, nhưng sau khi trải qua các cuộc phỏng vấn thì Trann đã từ chối cơ hội này (do nhiều nguyên nhân khác nhau). Trong các buổi phỏng vấn, thực sự Trann có rất ít đất để nói nhưng Trann vẫn cảm nhận được sự trân trọng mà nhà tuyển dụng đã dành cho mình cũng như qua đó mình biết được giá trị của bản thân trong mắt nhà tuyển dụng."À, thì ra việc định nghĩa giá trị của 1 ứng viên trong mắt nhà tuyển dụng không khó lắm như mình nghĩ".

 

Một đoạn ngắn trong buổi nói chuyện như sau:

1.
Công ty: Chị không nghĩ cuộc điện thoại này sẽ thuyết phục được em nhưng chi hi vọng em sẽ xem xét Offer (thư mời nhận việc) và không cần ra quyết định vội trước khi chị sẽ trình bày với em về những quyền lợi khác khi em gia nhập vào gia đình công ty...

Trann: Vâng được a.
......

2.
Công ty: Sau khi em trải qua vòng phỏng vấn với chị Giám đốc bộ phận chuyên môn và Giám đốc nhân sự thì mọi người đã cùng nhất trí rằng năng lực và kinh nghiệm của em hoàn toàn vượt xa so với độ tuổi, cũng như tụi chị nhận thấy sự nhạy bén và thông minh trong cách giao tiếp của em sẽ là một trong những nhân tài của công ty sau này và em sẽ còn tiến xa hơn nữa

Trann: Em cám ơn chị, em.....(trả lời khiêm tốn về bản thân)
.....



Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao tạo ra giá tri của bản thân trong mắt nhà tuyển dụng?



1. Tạo dựng thương hiệu cho chính mình

Nếu những bạn đã đi làm, thì điều này rất quan trọng. Thực ra, chúng ta ra đời, xuất phát điểm cũng tương tự nhau (trừ những trường hợp cá biệt) nhưng sự đột phá sẽ giúp bạn thăng tiến trog công việc hay không. Ngay từ những công việc đầu tiên, bạn hãy cố gắng xây dựng hình ảnh cho chính mình. Có rất nhiều cách phát triển thương hiệu mà bạn có thể hướng đến, nhưng nên nhớ 2 điểm "có trách nhiệm" và "sáng tạo". Làm bất kì một công việc gì, hãy để bản thân mình lăn xả với nó và làm nó bằng tất cả niềm đam mê và sự cẩn thận. Bên cạnh đó, bạn phải tự phát triển công việc của mình một cách sáng tạo để mang lại hiệu quả công việc cao hơn. Ví dụ, khi bạn làm phân tích tài chính, ngoài những con số, hãy quan tâm đến phần trình bày, để làm sao những người khác đi đọc báo cáo, họ sẽ cảm thấy thích thú hơn. Hoặc bạn cũng có thể cập nhật thêm những xu hướng phân tích tái chính mới hiệu quả hơn và áp dụng nó vào công việc của mình.


Những bạn chưa đi làm, hãy tập dần những thói quen tốt trong những năm tháng đại học. Điển hình là bạn phải không ngừng nâng cao kiến thức, hoàn thiện những thiếu xót của bản thân thông qua những lần làm việc nhóm. Ngoài ra, nên thể hiện năng lực của bản thân mình thông qua những lần mạnh dạn làm trưởng nhóm. Nhiều bạn sẽ e dè với vai trò này, tuy nhiên đây là cơ hội cho bạn nâng cao các kĩ năng liên quan như tổ chức, sắp xếp công việc, thuyết trình, thuyết phục đám đông. 


Và đừng quên là phải duy trì sự "khiêm tốn". Đôi khi chúng ta tự hào về những thành quả của bản thân và tự tin vào thành tích của mình đạt được. Tuy nhiên, hãy dùng nó để định hình tiếp con đường phía trước mình sẽ đi như thế nào. Khi bạn giỏi nhưng vẫn khiêm tốn, bạn chính là nhân tố mà các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. 




2. Năng động và khả năng thích ứng

Mong muốn thành công trong cuộc sống, nhất là trong môi trường cạnh tranh như hiện nay thì "thụ động" là từ đầu khóa đầu tiên mà chúng ta nên né nó ra xa (càng xa càng tốt). Lấy ví dụ cụ thể, trên báo cũng có một bài nói về một bạn cử nhân tốt nghiệp thủ khoa đầu ra nhưng lại chưa có việc làm cũng như Trann nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn "Sao chị đi làm sớm vậy khi mà chưa có bằng đại học?". Vì Trann tin rằng tấm bằng không phải là điều mà các nhà tuyển dụng quan tâm đầu tiên. Để chứng minh điều đó, trong lúc học Trân phải chứng minh khả năng của bản thân mình và tự mình tìm kiếm các cơ hội đi làm (làm trainee, dạy anh văn, làm trợ giảng ACCA), áp dụng phương pháp hãy làm cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người phù hợp để họ có thể phát triển bạn thì họ sẽ sẵn sàng tạo cơ hội việc làm cho bạn. Giống như câu nói "Đại học là con đường ngắn nhất nhưng không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công". Bạn của Trann, có nhiều người đều đi làm trong quá trình học và đến nay, dù chưa có bằng thì họ vẫn được nhà tuyển dụng tin tưởng trong công việc. Nên nếu bạn muốn có công việc thì hãy năng động tìm kiếm, phải hiểu được công việc mình muốn làm là gì, ngành nghề nào, khoanh vùng các công ty và tích cực nộp đơn.


Dù bạn có công việc rồi, nhưng nếu bạn không tự phát triển bản thân và thích ứng với môi trường làm việc thì bạn cũng không thể nào tim kiếm một công việc khác tốt hơn đâu. Vì sao? Vì mỗi công ty đều có văn hóa và môi trường làm việc khác nhau. Các công ty đa quốc gia (MNC) chưa chắc đã chuyên nghiệp như các công ty trong nước, hoặc ngược lại. Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ có định kiến với bất kì loại hình công ty nào, miễn là nơi nào chúng ta học được, phát triển được thì đều đáng quý. Quan trọng là phải biết mình đang ở đâu mà phấn đấu, và luôn trong tâm thế học càng nhiều càng tốt và đừng nghĩ là chúng ta đang bị bắt nạt. Nếu bắt nạt trong công việc ban đầu, miễn là liên quan đến chuyên môn, thì đều sẽ giúp ích cho chính mình vì chúng ta sẽ học được cách phải kiên cường trong chuyên môn và bản lĩnh bảo vệ thành quả công việc của mình sau này.  Hãy nghĩ về mặt tích cực của nó!

 

 

TRANNACCA.

 

 
 
 
 
 
 

Chia sẻ với bạn bè

Hiển thị tất cả kết quả cho ""