Đi làm chúng ta học được gì?

Đăng bởi TRANNACCA vào lúc 2021-04-02

Nếu bạn bắt đầu "dấn thân" vào con đường đi làm chuyên nghiệp từ năm 19 tuổi thì nếu may mắn sở hữu khả năng ngoại giao bẩm sinh và tố chất khéo trong giao tiếp thì thật tốt, còn nếu không thì bạn phải rất trầy trật để học cách để sinh tồn trong môi trường công sở. Bên cạnh đó, xuất phát điểm của bản thân vốn là 1 người cực kì vô tư và lại sở hữu cá tính và chính kiến riêng. Những bạn từng theo dõi bài viết của Trann thì sẽ hiểu cách Trann chọn và quyết định đều rất độc lập chứ ít khi bị ảnh hưởng bởi đám đông nên mới dám bỏ học chuyên để học lớp thường, bỏ trường chuyên học trường bình thường, bỏ đại học để học ACCA rồi còn "bạo gan" đi làm trong lúc học dù ai cũng bảo là không thể đảm bảo cả 2. Không phải xa lạ hay ngẫu nhiên mà rất nhiều người đã có chung nhận định là đi làm thực sự rất mệt, không phải do quy trình hay thủ tục mà là giữa đồng nghiệp/cấp trên vs cấp dưới trong công ty. Và nếu tự ví dụ mình ở thời điểm đó thì Trann chính là "cô bé quàng khăn đỏ". Nghĩa là Trann sẽ phải tự mình đi giữa "rừng" và nếu không tự nhận ra các bài học và áp dụng triệt để, thì coi như mình ở lại rừng còn khăn đỏ thì bay bay. 

 

 

 

Thực sự, Trann nghĩ đôi khi người không chuẩn bị gì thì sẽ là những người học nhiều nhất vì họ không ngại việc lớn việc nhỏ. Với Trann thì không những phải học, học liên tục từ công việc đến cả ứng xử mà còn phải kiên cường đấu tranh cho sự nghiệp của mình vì cái gọi là "tuổi đời hay tuổi nghề". Có những định kiến được áp đặt vào công việc như Tran từng đọc đâu đó trên các tin tuyển việc của các học trò chia sẻ đại loại như "anh chị cần người mới ra trường nhưng có hơn 3 năm kinh nghiệm" nhưng nếu Trann nói với họ rằng nếu em ra trường nhưng có hơn 4 năm kinh nghiệm được không? Thì nhà tuyển dụng sẽ mặc định em phải bao nhiêu đây tuổi thì mới có bao nhiêu năm kinh nghiệm được, vì em chưa ra trường, chưa có bằng cấp thì sao đi làm được v..v...?! 

Vậy thì thực tế công ty cần gì? Cần tuổi đời hay tuổi nghề? Cần tuyển người làm việc hay tò mò khi người khác không giống với những gì họ định kiến? Có rất nhiều mâu thuẫn tương tự Trann từng gặp phải khi bước vào vòng phỏng vấn với HR, và dù họ có yêu cầu như thế nào thì Trann vẫn tin vào lập trường của mình "vì em xứng đáng nên mới có cơ hội ở đây trao đổi với các anh chị cho vị trí này, và vì em xứng đáng với kinh nghiệm làm việc và quá trình học của em nên giữa 2 bên luôn là mối quan hệ bình đẳng trên công việc chứ không phải là tuổi tác". Chính vì Trann tin vào mối quan hệ "tôi cần bạn và bạn tin tôi", nên Trann mới có thể lần lượt chinh phục những vị trí cao hơn trong suốt chặng đường 7 năm đi làm của mình.

Trann còn nhớ có 1 lần khi mới vào làm ở công ty đầu tiên, vì cảm thấy phòng nhân sự có những "phân biệt" nhất định với mình nên Trann đã mạnh dạn mời chị ấy vào phòng họp riêng để 2 bên cùng nói chuyện với tâm thế của mình khi đó rất cầu tiến và học hỏi. Dù trong suốt quá trình làm việc sau đó đôi khi Trann vẫn cảm thấy sự đối xử của chị với mình có chút khác biệt nhưng với Trann, tiếng nói của một người trẻ vẫn nên nói ra, dù đúng dù sai thì vẫn sẽ giúp họ hiểu được giá trị và học hỏi thêm nhiều bài học tốt đẹp. Nhưng như thế không có nghĩa là mọi thứ đều sẽ xấu đi, vì may mắn Trann nhận lại rất nhiều tình thương yêu của các anh/chị đồng nghiệp dù các anh/chị đều là các trưởng bộ phận khác trong công ty. Mọi người giúp Trann nhìn ra những điểm "chết" ở cái bản tình "thật và thẳng" của mình và cũng đóng góp xây dựng làm sao để bản thân tốt hơn. Nhưng mà, Trann vẫn phải luôn thú nhận rằng "thẳng và thật" là một phần trong cá tính của bản thân, hay tại do mình cung Thiên Bình không biết nữa nên việc va chạm trong công việc vẫn là không tránh khỏi. Để có thể "cứng và mềm" trong công việc đúng lúc, thì Trann cũng phải khắc phục nhược điểm của chính mình, đó là nói thuyết phục trong đám đông, kiềm nén cảm xúc khi nóng giận và phải hoàn toàn tách bạch giữa công việc và chuyện riêng.

 

Khi còn đi làm đồng nghiệp cứ hay bảo "chuyện mà đến tay Trann thì thế nào cũng sẽ là chuyện lớn" vì đối với công việc Trann là người hết lòng và sẵn sàng bảo vệ những điều đúng đắn. Nhưng ngoài công việc thì tất cả mọi người đều là đồng nghiệp của nhau 😃. Những tình huống Trann gặp nhiều nhất là "lỗi ngụy biện" vì thường khi mình đang làm công việc Kiểm toán nội bộ thì các bộ phận khác sẽ mặc định là mình phải thù ghét gì đó mới cố ý lôi những lỗi nhỏ ra trong các cuộc họp Giám đốc bộ phận định kì hoặc tiến hành điều tra. Mà thực tế thì giữa các Trưởng bộ phận mới là những mấu chốt khá nhập nhằng trong vòng xoáy "công - tư" làm ảnh hưởng nhiều nhất đến công tác kiểm toán nội bộ và thẩm tra tuân thủ (compliance testing). Nên Trann khá quen với việc "bị buộc tội" hay đổ lỗi như vậy nhưng trên hết Trann hiểu, góc nhìn khác nhau thì sẽ nhận định khác nhau, miễn là công việc của các bên đều hoàn tất và hoàn thành như yêu cầu là được. Có thể sự quyết liệt trong công việc cũng phần nào xây dựng hình ảnh nghề nghiệp của bản thân nên (may mắn) được thử thách liên tục trong những môi trường khác nhau từ Ngân Hàng, Nông Nghiệp, FMCG rồi cả Bia và Rượu. Còn loại hình kinh doanh thì Trann đã tiếp xúc cả đa quốc gia, môi trường nhà nước hoặc 40/60 (vừa nước ngoài, vừa nhà nước).

 

Thật vậy, từ khía cạnh nhìn nhận của bản thân sau khi liên tục trải qua nhiều vị trí và công việc khác nhau, Trann nghĩ kinh nghiệm làm việc là cảm nhận chủ quan tùy theo từng người, nên làm ít hay nhiều năm không quan trọng bằng việc bạn làm một việc hay làm nhiều việc và bạn đã tích lũy thành tựu như thế nào cho bản thân mình. Ngay từ đầu, mọi người đã luôn biết Trann như một người rất ít khi bị ảnh hưởng bởi các khuôn mẫu nguyên tắc hay định kiến, nên việc Trann chuyển sang làm việc ở nhiều ngành khác nhau được Trann xem là một lợi thế cạnh tranh khi phỏng vấn chứ không phải là nhược điểm vì phương pháp kiểm toán nội bộ được Trann tích lũy, áp dụng và triển khai cũng sẽ đa dạng và phù hợp hơn với thực tiễn sau khi đã trải nghiệm và kiểm chứng ở những môi trường làm việc khác nhau. Hiện tại quy trình kiểm toán nội bộ ở nhiều công ty có nơi sẽ chưa hoàn chỉnh, có nơi sẽ mang hơi hướng "kiểm toán độc lập" nên rất nặng về mặt quy trình và thủ tục mà quên mất rằng "con người và văn hóa công ty" mới là những nhân tố quan trọng nhất cần phải lưu tâm khi bắt đầu tiến hành xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ toàn diện. Những cái này ACCA không dạy bạn, COSO framework cũng chỉ để đọc cho vui hoặc SOX (Sabanes - Oxley) Test cũng sẽ bị ảnh hưởng lý thuyết rất nhiều (dành cho các công ty có niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ) thì duy nhất chỉ có bạn cần phải hiểu công ty và nắm rõ quy trình và công tác vận hành mỗi ngày mới có thể làm ra được "bộ quy trình kiểm toán nội bộ" phù hợp và thực tiễn.

 

Thêm một cái may mắn nữa là số Trann rất có duyên với các công ty có nhiều (hoặc cực nhiều) biến động. Ví dụ như đợt Trann vào làm cho công ty thứ 2 thì công ty lại cải tổ toàn bộ bộ phận kế toán - tài chính, đến công ty thứ 3 thì cũng mới hoàn tất tái cấu trúc, rồi đến công ty sau nữa thì lại đúng đợt chuyển đổi phương pháp hoạch toán và báo cáo từ VAS sang IFRS. Ngay cả công ty trước khi Trann chính thức nghỉ học Thạc sĩ thì lại đang trong tiến trình "chuyển mình" từ thị trường nhỏ thành thị trường trọng điểm của khu vực Đông Nam Á (Southest Asia). Và không thể không nói đến 2 lần Trann "được" may mắn chứng kiến hoặc thực hiện các công tác liên quan đến M&A, 1 lần ở công ty trong nước và 1 lần ở công ty đa quốc gia. Điêu các bạn sẽ ngạc nhiên nhất chính là tận đến khi nhận lời phỏng vấn hoặc vào làm rồi thì Trann mới biết đến "độ nổi tiếng" của các công ty mình làm và tất cả các công ty trước đây Trann công tác đều thông qua những cách thức rất tình cờ hoặc do Headhunter chủ động gọi điện hoặc do duyên gặp mặt vì bản thân Trann hoàn toàn không có ý nghĩa sẽ "phân biệt đối xử" với công ty nào cả, vì có việc làm trong ngành này (rất hiếm khi đăng tin tuyển dụng rộng rãi) là mừng lắm rồi. 

 

Làm ở những công ty được " rất lớn", vấn đề đầu tiên là bạn cần phải vượt qua vòng phỏng vấn. Vậy Trann có gì để ngồi chia sẻ với nhà tuyển dụng? Trann tin là không nhiều phòng tuyển dụng công ty Việt Nam ngay cả các tập đoàn đa quốc gia biết đến ACCA nhiều (cách đây tầm 3 - 4 năm, bây giờ thì đã phổ biến hơn) thì không thể đưa tấm bằng ACCA ra và deal cho mình mức lương cao tương xứng được. Nếu như vậy thì ngay cả Trann cũng chẳng có bằng ở thời điểm đó). Khi bước vào các vòng phỏng vấn, đa phần các câu hỏi thường hay xoay quanh chủ đề chuyên môn và kinh nghiệm làm việc. Nhưng quan trọng hơn là "thần thái". Nếu bạn là người có kinh nghiệm thực sự và đam mê với công việc mình làm thì cách bạn nói, từ ngữ chuyên môn bạn dùng và sự say sưa trong câu chuyện sẽ khiến cho nhà tuyển dụng cảm nhận được "thần thái" của bạn không đùa được đâu. Còn với những bạn đang "make up" hơi lố cho CV của mình thì Trann đảm bảo là chỉ cần vài mẹo nhỏ thì bạn sẽ "dễ dàng" bị phát hiện ngay trong khi phỏng vấn. Nên chỉ cần là "chính mình", thì dù bạn chỉ từng làm ở những công ty nhỏ thì bạn vẫn sẽ toả sáng như thường khi phỏng vấn ở những công ty lớn. Điểm mấu chốt "người thật việc thật". 

 

Chúng ta có bao giờ tự hỏi là tại sao khi tuyển các bạn mới ra trường thì số lượng tuyển rất nhiều, trải qua đủ thể loại các bài kiểm tra rồi còn phải trầy trật tranh nhau từng suất cho vị trí chính thức. Đến khi ứng tuyển cho vị trí ngày càng cao hơn thì số lượng tuyển ngày càng ít lại và đôi khi chỉ vỏn vẹn trong 1-3 vòng phỏng vấn mà vẫn không thể tìm được người phù hợp? Là vì mình khi kinh nghiệm làm việc càng nhiều, tầm từ 3 - 4 năm kinh nghiệm trở lên thì thỉnh thoảng chúng ta thường hay chủ quan về "cái mình có" mà quên mất là mình nghĩ mình giỏi thì vẫn sẽ có người tuy không giỏi hơn mình nhưng sẽ phù hợp với công ty hơn mình. Trann hay nghe các bạn nói là đối với ngành này "đường ngắn hơn" đối với ngành kế toán, kiểm toán là theo 1 Big nào đó, rồi sau đó đến tầm 3-4 năm kinh nghiệm thì lại tìm một công ty "đẹp hơn" để chuyển chỗ làm. Và thường thì đây là cái bẫy nghề nghiệp mà rất nhiều bạn mắc phải. Vì sao? Vì số năm kinh nghiệm khi bạn nhận ra rằng đó lại là đường vòng vì khi chuyển ngành bạn lại phải chịu khó đi từ vị trí thấp hơn 1 chút, cụ thể là công ty cũng đang tuyển vị trí quản lí tầm trung thì khi bạn apply vào thì nếu không thương lượng tốt hoặc profile quá xuất sắc thì bạn sẽ chịu chấp nhận ở vị trí "senior" thay vì "manager". Trann nghĩ đôi khi điều này cũng khá công bằng với những bạn ngay từ đầu đã định hướng nghề nghiệp của mình theo hướng "vertical" (đi thẳng) thì chắc chắn ngoài chuyên môn thì các bạn này sẽ hiểu doanh nghiệp nhiều hơn các bạn đi từ việc "xử lí số liệu" thuần tuý và quá nặng về mặt quy trình hay sổ sách. Đó cũng là nguyên nhân nhiều bạn cứ thấy tuyển dụng các vị trí senior hoặc quản lí kiểm toán nội bộ luôn bị thiếu hụt, dù mỗi năm số lượng các bạn mới ra trường vẫn luôn rất nhiều.

 

Đôi lần Trann cũng gặp khá nhiều trường hợp phỏng vấn các bạn gặp vấn đề về mặt "trang điểm" quá lố cho CV của mình. Tức là các bạn nói về công ty tuy nhiều nhưng lại không sâu, đến khi hỏi hơi khó một chút thì các bạn lại mắc lỗi "quên bài". Giống như có đợt Trann phỏng vấn 1 bạn audit executive cho team mình, thì gặp 1 bạn theo nhận định ban đầu của mình là cực kì thích thì bạn thể hiện chuyên môn khá tốt về lĩnh vực kiểm toán nội bộ. Nhưng khi Trann hỏi "vậy với kinh nghiệm của em, làm kiểm toán nội bộ với kiểm soát nội bộ khác gì nhau không? Thì bạn lại ấp úng và trả lời câu hỏi hơi "sai một chút", nhưng Trann vẫn cho bạn thêm 1 cơ hội để hỏi thêm "em có biết công ty mình đang apply là công ty của nước nào không? Và họ có cần phải tuân theo các khung quy định gì về kiểm toán nội bộ không? (cái này có trên JD khi đăng tuyển, thường nếu ai để ý sẽ thấy ngay) mà bạn cũng trả lời sai luôn. Nên mới thấy, biết nhiều chưa hẳn là tốt, mà chỉ cần biết đủ và đúng về công việc của mình mới quan trọng nhất.

 

 

TRANNACCA. 

 


Chia sẻ với bạn bè

Hiển thị tất cả kết quả cho ""