SƯU TẦM - KẺ THÙ CỦA DẪN CHỨNG NGUỒN (REFERENCING)
Trước đây, khi Trann còn chưa làm luận văn tốt nghiệp nộp cho trường Oxford Brookes University, thì khái niệm Referencing (dẫn chứng nguồn) đối với Trann vẫn là 1 khái niệm xa lạ. Trann tin rằng rất nhiều bạn hiện đang làm báo cáo thực tập hoặc báo cáo tốt nghiệp mà theo phương thức truyền thống (nộp bằng file PDF và đóng cuốn) thì tỉ lệ "dính" lỗi Referencing là cực kì nhiều dù vô tình hay cố ý. Dù hiện nay đã có nhiều trường áp dụng hệ thống kiểm tra đạo văn nội bộ nhưng vẫn mang tính hình thức, vì muốn có 1 hệ thống "Plagiarism Checking" tốt thì cần phải có sự đối chiếu và dữ liệu database khổng lồ để chứng thực. Trann biết việc nhiều các trường Bên Anh và Úc sử dụng Turitin để chấm đạo văn là điều dễ hiểu vì nó gồm cả kho dữ liệu các bài tập, báo cáo, luận văn của rất nhiều sinh viên, cũng như các nguyên tắc và thang điểm màu cũng được quy định rất chặt chẽ nên việc phát hiện lỗi Referencing là cực kì dễ.
Sau màn giới thiệu sơ bộ về các yếu tố kĩ thuật liên quan đến việc kiểm tra đạo văn, Trann sẽ tập trung vào 5 ý chính cho bài viết của mình:
1/Mối quan hệ giữa Dẫn chứng nguồn (Referencing) và Đạo văn (Plagiarism)
Nếu nói về mối quan hệ nhân quả thì yếu tố quyết định chất lượng nguồn dữ liệu chúng ta xài là Rẻencing sẽ ảnh hưởng đến kết quả chúng ta làm ra là đạo văn hay là thành quả của chính mình. Lần đầu tiên Trann làm luận văn tốt nghiệp cũng là bài luận bằng tiếng anh, vì vậy khó hơn rất nhiều so với việc làm luận văn truyền thống vì bài làm sẽ nộp bằng file Word để kiểm tra trên hệ thống, nếu % nguồn thông tin sử dụng vượt khung cho phép thì xem như bài làm của mình sẽ bị loại, không cần phải chấm nữa. Nếu chúng ta theo học các bằng của Anh thì cũng nên lưu ý là các giám khảo rất bảo thủ về mặt nguyên tắc và chất lượng bài làm. Trong tất cả các yêu cầu khi nộp bài luận tốt nghiệp đều luôn có dòng chữ nhấn mạnh "By your ơn". Chính vì vậy, trong các bài luận tốt nghiệp của bậc Đại Học và Sau Đại Học đều đi kèm với 1 bài "Reflection Statement" chính là để phản ảnh lại quá trình mình hoàn thành bài luận, cách mình thu thập thông tin và hoàn thiện bài làm, một cách để kiểm tra chéo xem có thực sự là bài của chính mình hay không.
2/ Vậy thông tin mình lấy khác ngôn ngữ thì sao?
Nhiều người đưa ra lý do là nguồn có nhiều quá, nhiễu quá rồi có khi cả nhiều người đều lấy cùng 1 nguồn nước ngoài nên không ghi nguồn, mà ghi chữ "sưu tầm". Trann không biết ai nghĩ ra được cụm từ này hay quá chừng vì nếu lạm dụng từ này thì sẽ thành đánh tráo khái niệm. 1 ví dụ đơn giản là khi Trann phân tích bài viết Formosa từ các trang báo mạng uy tín của Việt Nam để phân tích cho bài luận tốt nghiệp Thạc Sĩ với đề tài Sustainable Development thì tất cả các bài viết Trann đọc đều là tiếng Việt, nhưng Trann vẫn phải cặm cụi ngồi dịch lại bằng tiếng anh các điểm quan trọng mà Trann lấy về bài viết của mình, và Referencing thì Trann phải dịch nguồn bằng Tiếng Anh kèm theo đầy đủ thông tin và link bài viết gốc (Tiếng Việt). Vậy thì chúng ta hiện nay được các nguồn dịch sẵn từ các ngoại ngữ khác nhau thành Tiếng Việt khá nhiều thì chúng ta chỉ việc Dẫn chứng nguồn phù hợp thì tại sao lại thoái thác bằng chữ "sưu tầm". Nếu thông tin được truyền tải qua nhiều nguồn, thì mình sẽ có 2 cách (i) dựa trên nguồn dịch gần nhất để Referencing hoặc (ii) tìm kiếm trên google để tra cứu nguồn chính xác. Thực tế cả 2 cách trên đều giúp chúng ta nâng cao chất lượng Referencing, nếu chúng ta thực sự tôn trọng công sức của chính mình thì cũng nên tôn trọng công sức của người khác.
3/ Năng lực thể hiện ở trình độ học vấn thì Referencing thể hiện mặt hạnh kiểm đạo đức
Khi chúng ta bắt đầu chặng đường Đại học thì năng lực của chúng ta sẽ được thể hiện qua các bài thi, các báo cáo. Vậy thì Referencing thì sao? Chính là bài kiểm tra đạo đức của chính mỗi người. Trann đã từng nhận 1 trường hợp hướng dẫn luận văn mà bạn học trò trước đây đã bị phạt kỷ luật vì đạo văn (điểm đạo văn 46% so với mức trung bình là 15-20% và được mentor bởi 1 hội viên ACCA cũng đang giảng dạy tại các trung tâm mà Trann xin phép không nêu tên). Ngoài việc mentor không đọc các hướng dẫn của trường về nguyên tắc Referencing và cũng không hướng dẫn học trò của mình cách lấy nguồn phù hợp thì lỗi lớn nhất là tự ý đem những đoạn có trong bài luận văn tốt nghiệp trước đây vào bài làm hiện tại. Có thể thấy, việc chúng ta suy nghĩ còn quá đơn giản về việc Dẫn chứng nguồn dẫn đến việc bị kỷ luật bởi trường là điều không tránh khỏi. Nhìn rộng ra, thì nếu ngay khi chúng ta còn đi học nhưng vấn đề liên quan đến dẫn chứng nguồn luôn bị xem nhẹ, thì vấn đề vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ sau này sẽ mang lại hậu quả rất lớn.
4/ Referencing chính là tôn trọng trí tuệ và chất xám của tác giả.
Cách chúng ta dùng những thông tin có sẵn cho các mục đích bài viết khác nhau cần phải cẩn thận tìm kiếm và dẫn chứng nguồn vì suy cho cùng đó không phải là thành quả của mình, mà mình đang dùng thành quả của người khác cho thành công của mình. Thay vì ghi "sưu tầm", chỉ cần chúng ta tìm kiếm bằng công cụ đơn giản nhất google cũng sẽ có khá nhiều nguồn gốc để chúng ta dẫn chứng. Điều này có thể thấy rõ trong các bài báo nước ngoài khi các tác giả viết những bài phân tích chuyên đề hoặc các bài đăng rộng rãi thì phía dưới sẽ luôn có phần trích dẫn các nguồn thông tin tham khảo và những người cộng sự cùng tham gia, nhờ vậy mà mạng lưới học thuật và sự chuyên nghiệp sẽ ngày càng phát triển. Trên thực tế là Trann đã tìm đc rất nhiều thông tin hay ho cũng bằng cách đọc và tra cứu các thông tin liên quan theo dạng "related network" giống như thế này, vì các nguồn thông tin hay đều sẽ có những mối quan hệ Referencing chặt chẽ với nhau.
Hồi còn nhỏ, chúng ta hay được phát văn mẫu, dàn ý mẫu tập làm văn và xem đó là nguồn tài liệu để có điểm cao. Việc sử dụng thoải mái, và được tạo điều kiện dẫn đến hệ luỵ về mặt nhận thức tầm quan trọng của các sản phẩm trí tuệ. Vô tình về lâu dài, chúng ta sẽ thường có suy nghĩ nếu có nguồn thông tin sẵn thì sẽ lấy, nhưng lại chưa bao giờ hỏi nguồn thông tin có được từ đâu ra. Đọc nhiều tin về việc lùm xùm bản quyền, thành quả bị đánh cắp đến việc vô tư không để nguồn nhưng lại để "stoleitfrom..." Chưa bao giờ thấy công sức của nhiều người lại bị "đối xử" bất công như thế.
4/ Referencing là Copy toàn bộ nguồn hay được quyền "cải biên" hoặc "chỉnh sửa"
Câu trả lời là cả 2. Có 1 quan điểm sai là việc chúng ta cứ nghĩ là dùng ngoặc kép cho các câu dẫn nguồn là xong, hoặc nếu đổi và cải biên chút thì sẽ thành sản phẩm của mình. Vậy cách thức Referencing đúng là như thế nào? Tuỳ theo việc bạn lấy thông tin là 1 câu nói rất nổi tiếng hoặc 1 định lý nghiễm nhiên đúng của các học giả và nhà khoa học nổi tiếng thì cần phải để trong ngoặc kép. Ngoài ra các nguồn khác chúng ta đều phải sử dụng kỹ thuật "paraphase" để biến ý của tác giả phù hợp với ngữ cảnh mình đang dùng trong bài làm nhưng không làm mất đi giá trị gốc. Vì vậy, chỉ khi nào chúng ta có thể thay đổi luôn cả nghĩa và ngữ cảnh sử dụng đến 90% so với nghĩa gốc thì sẽ trở thành là ý của mình. Còn lại, dù cho chúng ta đã chỉnh sửa ý thì khái niệm và nội dung vẫn dựa trên nội dung gốc thì chúng ta phải dẫn chứng nguồn cụ thể và chi tiết.
Dù là vô tình hay cố ý nhưng nếu đã sử dụng "tài sản trí tuệ" của người khác bằng cách chỉnh sửa hay để nguyên câu nói thì đều phải Dẫn chứng nguồn. Điều này thể hiện tư duy văn minh, tôn trọng người và tôn trọng mình. Bản quyền cần được tôn trọng, công sức cần đươc tôn trọng. Đừng viết sưu tầm nữa, hãy viết cụ thể dẫn chứng nguồn.
TRANNACCA.